Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Hướng dẫn triển khai phong trào “Học sinh 3 tốt” giai đoạn 2018 - 2022

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
***
Số: 18-HD/TWĐTN-TNTH
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2018


HƯỚNG DẪN
Triển khai phong trào “Học sinh 3 tốt” giai đoạn 2018 - 2022
----------

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022; cụ thể hóa chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập”, tạo môi trường, động lực cho học sinh được học tập, phấn đấu và rèn luyện, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành Hướng dẫn triển khai phong trào “Học sinh 3 tốt” (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt) trong khối trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (sau đây viết tắt là THPT, TTGDNN-GDTX) giai đoạn 2018 - 2022, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng môi trường, tạo động lực cho học sinh rèn luyện, phấn đấu toàn diện trên các mặt: đạo đức, học tập, thể lực; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong các trường THPT, TTGDNN-GDTX.
- Thông qua phong trào nhằm phát hiện, tuyên dương và nhân rộng các tấm gương học sinh tiêu biểu đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt”, tạo tiền đề cho học sinh tiếp cận phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện” ở các bậc đào tạo cao hơn.
- Góp phần nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh niên trong các trường THPT, TTGDNN-GDTX trên cả nước.
2. Yêu cầu
- 63/63 tỉnh, thành đoàn triển khai phong trào “Học sinh 3 tốt” tới các quận, huyện, thị, thành đoàn, đoàn các trường, học sinh THPT, TTGDNN-GDTX trên địa bàn.
- Các cấp bộ Đoàn có giải pháp tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra định kỳ trong quá trình triển khai phong trào.
II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, giới thiệu phong trào “Học sinh 3 tốt
- Tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của phong trào tới cán bộ Đoàn các cấp, cán bộ phụ trách công tác Đoàn trong trường THPT, TTGDNN-GDTX để đảm bảo phong trào được triển khai sâu rộng, hiệu quả; tới học sinh để học sinh thấy được những lợi ích của sự phấn đấu, rèn luyện qua phong trào và khi đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt”. Tổ chức cho học sinh đăng ký phấn đấu, thi đua đạt danh hiệu ngay từ đầu năm học.
- 100% Đoàn các trường có hình thức tuyên truyền trực quan về phong trào trên bảng tin, bằng tranh cổ động, tờ rơi trong khuôn viên nhà trường, kí túc xá, các điểm tập trung đông học sinh. Xây dựng chuyên mục về phong trào “Học sinh 3 tốt” trên website của đơn vị. Đẩy mạnh tuyên truyền trên internet thông qua các diễn đàn, fanpage facebook, youtube, instagram của đơn vị, cá nhân. Đăng tải, sử dụng bộ nhận diện phong trào “Học sinh 3 tốt”, bao gồm hình ảnh và video clip giới thiệu phong trào, danh hiệu “Học sinh 3 tốt” do Trung ương Đoàn ban hành. Chủ động thiết kế và đăng tải các hình ảnh hoạt động, infographic, videoclip ngắn về phong trào tại địa phương, đơn vị. Chú trọng giới thiệu các nội dung của phong trào và tiêu chí phấn đấu để đạt danh hiệu Học sinh 3 tốt”.
- Thường xuyên lồng ghép thông tin về phong trào trong các hoạt động sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt lớp, câu lạc bộ, đội, nhóm và các hoạt động khác do nhà trường hoặc đoàn trường tổ chức. Tổ chức sinh hoạt dưới cờ đầu tuần gắn với tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung của phong trào.
- Giới thiệu phong trào “Học sinh 3 tốt” trong đội ngũ giáo viên, phụ huynh và các tổ chức xã hội, thông qua đó thu hút sự quan tâm, hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phong trào.
- Phối hợp các cơ quan báo chí, truyền hình xây dựng các tuyến tin, bài giới thiệu về phong trào, các hoạt động, giải pháp hiệu quả trong triển khai phong trào, gương học sinh đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt”.
2. Tổ chức các hoạt động tạo môi trường để học sinh tham gia phong trào “Học sinh 3 tốt
2.1. Giải pháp tạo môi trường cho học sinh rèn luyện đạo đức
- Tổ chức các hoạt động để học sinh thực hiện các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Tổ chức học tập chuyên đề gắn với giáo dục lòng trung thực, tinh thần hiếu học, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong học sinh. Tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”; bình chọn, tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, các tấm gương học sinh đạt thành tích trên các mặt rèn luyện đạo đức, lối sống, có kết quả học tập tốt. Xây dựng tủ sách “Bác Hồ với thanh niên”, các chuyên trang, chuyên mục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Đa dạng hóa các hình thức như sân khấu hóa, hội thi, hội diễn, sinh hoạt ngoại khóa… nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc, giới thiệu các sự kiện quan trọng của đất nước, của Đảng, Đoàn, của địa phương như: giao lưu nhân chứng lịch sử; làm báo tường; triển lãm hình ảnh; tổ chức hành trình về nguồn, thăm quan các di tích lịch sử; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử - văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”; các chương trình, hội diễn, liên hoan, văn nghệ với các ca khúc ca ngợi tình yêu gia đình, mái trường, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào về biển, đảo Tổ quốc; khuyến khích học sinh tham gia vào các câu lạc bộ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương.
- Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức các diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”,Học làm người có ích”, “Tuổi trẻ sống đẹp”, “Ngày hội Thanh niên sống đẹp”, “Ngày hội đọc sách”... Kịp thời giới thiệu, tuyên dương những tấm gương người tốt việc tốt, những hành động có ý nghĩa, lan tỏa giá trị sống tốt đẹp trong đời sống học đường. Duy trì việc thực hiện các chuyên mục “Ước mơ tuổi 18”, “Kỹ năng tuổi 18”, “Tuổi 18 cần biết”… Định kỳ tổ chức ngày hội, hội thi “Khi tôi 18”.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nội quy, quy định của nhà trường cho học sinh như: “Ngày hội pháp luật”, “Hội thi kiến thức pháp luật”, “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông”; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động phổ biến, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hôn nhân và gia đình… Xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, diễn đàn trực tuyến về kiến thức pháp luật để học sinh tiếp cận và hình thành thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
- Tổ chức cho học sinh tham gia thường xuyên các hoạt động tình nguyện tại trường, ký túc xá như: triển khai trên diện rộng và có hiệu quả chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè hằng năm; tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, chăm sóc bảo vệ môi trường nơi học và nơi ở, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các hoạt động khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn, giúp đỡ gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn.
- Tham mưu cho cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức gặp gỡ, đối thoại với học sinh để học sinh trao đổi, bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, thông qua đó, nắm bắt tư tưởng, định hướng, hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện. Phân công cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý kịp thời tư vấn, tham vấn, giải quyết các vấn đề học sinh gặp phải trong học tập và cuộc sống.
- Định kỳ cuối năm học, tổ chức “Lễ trưởng thành tuổi 18” dành cho học sinh khối lớp 12 nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về ý thức, trách nhiệm công dân.
2.2. Giải pháp tạo môi trường cho học sinh phấn đấu học tập
- Tổ chức các hoạt động giáo dục thái độ, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần cầu tiến trong học tập cho học sinh, khắc phục tình trạng thiếu nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập của cựu học sinh nhà trường đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng; các học sinh đạt thành tích cao trong và ngoài nước; những tấm gương vượt khó vươn lên của trường, địa phương. Phối hợp phòng chống các tiêu cực, gian lận trong học tập, thi và kiểm tra.
- Định hướng, duy trì các loại hình khuyến khích, hỗ trợ học tập cho học sinh như: các câu lạc bộ, nhóm học sinh tự học, nghiên cứu khoa học; thành lập, phát huy các câu lạc bộ học thuật của học sinh theo từng môn học, có sự tham gia hướng dẫn của giáo viên trẻ ở từng môn học; tổ chức ngày hội học tập; duy trì câu lạc bộ học sinh giỏi; mô hình “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”… Tập trung giúp đỡ nhóm sinh viên học lực trung bình, yếu, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, vận động học sinh đã bỏ học và có nguy cơ bỏ học trở lại trường.
- Tổ chức hoạt động khuyến khích học sinh sáng tạo trong học tập, thực hành ứng dụng khoa học. Chú trọng các cuộc thi học thuật, cuộc thi sáng tạo với nhiều hình thức sinh động giúp học sinh củng cố kiến thức, vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tổ chức “Ngày sáng tạo”, “Ngày hội ý tưởng, sáng kiến”, tập trung vào các vấn đề xã hội quan tâm hiện nay như môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, quản lý đô thị… góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.
- Trang bị kỹ năng và kiến thức về khởi nghiệp cho học sinh thông qua các buổi ngoại khóa, tọa đàm, diễn đàn, mời chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp phù hợp với đối tượng, năng lực của bản thân.
- Phát động phong trào thi đua học tập, trang bị kiến thức ngoại ngữ, tin học, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức kinh tế - chính trị, văn hóa của đất nước, các kiến thức về hội nhập quốc tế… theo các hình thức Rung chuông vàng, Đường lên đỉnh Olympia, Đấu trường 100... giúp học sinh củng cố kiến thức, phát triển toàn diện.
- Tổ chức hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10; khảo sát nhu cầu và tư vấn định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh xác định năng lực bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp; mời các diễn giả, chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thăm quan, giới thiệu các trường đại học, cao đẳng, học viện, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh có tâm lý vững vàng, nhận thức đầy đủ, có căn cứ rõ ràng để chọn nghề, chọn trường phù hợp.
- Phối hợp với hội phụ huynh học sinh vận động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm để thành lập, duy trì và phát triển các quỹ học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Biểu dương và khen thưởng kịp thời học sinh đạt thành tích cao trong học tập, các kỳ thi trong nước và quốc tế.
2.3. Giải pháp tạo môi trường cho học sinh nâng cao thể lực
- Xây dựng và duy trì các câu lạc bộ, đội, nhóm thể dục, thể thao của học sinh; cổ vũ học sinh tham gia, tạo môi trường sinh hoạt, hoạt động thể thao tập thể, rèn luyện, nâng cao thể lực cho học sinh. Yêu cầu mỗi học sinh biết và tham gia thường xuyên 1 môn thể thao; hỗ trợ, định hướng kịp thời cho học sinh trước những loại hình thể thao mới.
- Tổ chức các giải thi đấu thể thao học đường theo khối lớp, cấp trường. Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất tại đơn vị, địa phương tổ chức thi đấu các môn phù hợp với học sinh như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, bơi, cờ vua, chạy, đá cầu, võ cổ truyền...
- Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích, xây dựng môi trường sống, học tập an toàn, lành mạnh; phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể, tập thể dục trong học sinh.
- Tham mưu với nhà trường về việc huy động các nguồn lực xã hội, xây dựng, sử dụng các công trình thể thao phục vụ việc rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất của học sinh. Phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn giới thiệu các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao với những chính sách ưu đãi cho học sinh.
III. CÔNG TÁC XÉT CHỌN, TUYÊN DƯƠNG HỌC SINH ĐẠT DANH HIỆU “HỌC SINH 3 TỐT”
Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” được xét, trao ở 3 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp trường (được quy định cụ thể tại Quy chế danh hiệu “Học sinh 3 tốt” ban hành kèm theo Hướng dẫn này).
IV. HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ, PHÁT HUY HỌC SINH 3 TỐT
- Đoàn thanh niên các trường tham mưu cấp ủy, Ban Giám hiệu có các chế độ ưu tiên về học phí, học bổng, điều kiện học tập, quy định tiêu chí ưu tiên trong xét kết nạp Đảng với học sinh đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” các cấp.
- Đoàn thanh niên các trường giới thiệu học sinh đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” các cấp tới Đoàn các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp để tạo điều kiện phát huy trong các phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt”.
- Phát huy học sinh đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” các cấp trong tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức các hoạt động của phong trào. Tùy điều kiện, các cấp bộ Đoàn thành lập câu lạc bộ “Học sinh 3 tốt”, tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm chia sẻ, hỗ trợ, phát huy học sinh đạt danh hiệu, tăng cường sự tương tác giữa các học sinh đã đạt Danh hiệu và học sinh đang phấn đấu đạt Danh hiệu.
- Tổ chức các hoạt động kết nối học sinh đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” với các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm tư vấn hướng nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động tham quan các trường đại học, cao đẳng, học viện, tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp; vận động các nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ “Học sinh 3 tốt” trong quá trình học tập, rèn luyện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- Ban hành Hướng dẫn triển khai phong trào “Học sinh 3 tốt” và Quy chế xét chọn danh hiệu “Học sinh 3 tốt” các cấp.
- Thiết kế mẫu và các ấn phẩm tuyên truyền về phong trào “Học sinh 3 tốt” để các đơn vị triển khai thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thanh thuộc Trung ương Đoàn tuyên truyền về phong trào, các mô hình, hoạt động nổi bật, những tấm gương học sinh tiêu biểu đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt”.
- Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hoạt động tiêu biểu của các cấp bộ Đoàn trong quá trình thực hiện phong trào “Học sinh 3 tốt” nhằm nhân rộng các cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện phong trào; xét chọn, tổ chức tuyên dương các học sinh đạt Danh hiệu cấp Trung ương.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tạo môi trường để học sinh tham gia phong trào; ban hành cơ chế, chính sách để phát huy, hỗ trợ học sinh đạt Danh hiệu “Học sinh 3 tốt” các cấp.
2. Các tỉnh, thành đoàn
- Căn cứ hướng dẫn của Trung ương Đoàn, xây dựng phương án triển khai các nội dung của phong trào và danh hiệu “Học Sinh 3 tốt”; xây dựng tiêu chuẩn danh hiệu của tỉnh cho phù hợp với đặc thù của địa phương; hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào, danh hiệu “Học sinh 3 tốt” đến các quận, huyện, thị, thành đoàn.
- Phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường để học sinh tham gia phong trào; tổ chức tuyên dương học sinh đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh; giới thiệu những gương điển hình để tuyên dương cấp Trung ương. Vận động nguồn lực xã hội để chăm lo, phát huy, giúp đỡ học sinh đạt Danh hiệu tiếp tục phát triển.
- Hàng năm, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện phong trào Học sinh 3 tốttại đoàn cấp huyện, cấp trường. Báo cáo kết quả thực hiện phong trào định kỳ trong báo cáo Quý, báo cáo 6 tháng và báo cáo tổng kết công tác đoàn và phong trào thanh niên trường học theo từng năm học.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị các tỉnh, thành đoàn triển khai thực hiện hướng dẫn, đảm bảo các yêu cầu chung.



Nơi nhận:
- Ban Dân vận TW, Ban Tuyên giáo TW,  
  Ban Tổ chức TW, VP TW Đảng (để b/c);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (để p/h);
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn;
- TW Hội LH Thanh niên Việt Nam (để p/h);
- Các ban, đơn vị TW Đoàn (để t/h);
- Các tỉnh, thành đoàn (để t/h);
- Các cơ quan báo chí thuộc TW Đoàn;
- Lưu TNTH, VP.
TM. BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN
BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC


(đã ký)



Nguyễn Anh Tuấn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Liên Hệ Chúng Tôi